Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Sông nằm ở khối phố Xuân Bắc, phường Trường Xuân. Đây là di tích lịch sử gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của phường Trường Xuân nói riêng, thành phố Tam Kỳ nói chung. Vào tháng 10/1940, tại đình làng Trường Xuân, được sự đồng ý của Phủ uỷ và Liên Chi bộ phía Bắc Tam Kỳ, các đồng chí đảng viên của Trường Xuân, Xuân Trung, Phú Ninh đã tổ chức cuộ họp trước sự chứng kiến của đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) - Bí thư Phủ uỷ và đồng chí Lê Văn Huy - Bí thư Liên Chi bộ phía Bắc Tam Kỳ đã tuyên bố thành lập Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh gồm 4 đảng viên: Nguyễn Dậu, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Tấn Luân, Nguyễn Luận, do đồng chí Nguyễn Dậu làm Bí thư. Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh ra đời là bước phát triển mới của tổ chức Đảng trên mãnh đất Trường Xuân, đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của phong trào cách mạng trên địa bàn, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân trong việc lãnh chỉ đạo trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Tháng 9/1941, đồng chí Trương Chí Cương - Bí thư Phủ uỷ Tam Kỳ đã yêu cầu Bí thư Chi bộ triệu tập cuộc họp tại nhà bà Nguyễn Thị Bếp. Sau khi phân tích vị trí đặc biệt quan trọng của Chi bộ nằm sát thị trấn Tam Kỳ - nơi có các cơ quan đầu não của địch, có điều kiện nắm bắt tình hình nhanh chóng, làm nòng cốt cho việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng; Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh được đồng chí Trương Chí Cương gioa nhiệm vụ phụ trách thị trấn Tam Kỳ và vùng tây bắc của phủ lỵ, lấy bí danh là Chi bộ Sông (còn gọi là chi bộ đặc biệt). Đồng chí Nguyễn Dậu - Bí thư Chi bộ được phân công phụ trách khu vực Trường Xuân và thị trấn Tam Kỳ.
Chi bộ Sông ra đời và trực tiếp lãnh đạo các phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương trong thời kỳ cả nước thực hiện chuyển hướng hoạt động theo chủ trương của Đảng là giải phóng dân tộc trong bối cacnhr lịch sử hết sức phức tạp: Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nhân dân ta phải chịu một cảnh hai tròng và thực dân Pháp điên cuồng đàn áp, khủng bộ các phong trào cách mạng.
Bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, chi bộ Sông với vai trò và sứ mệnh của một chi bộ đặc biệt đã vững vàng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Phủ uỷ và Tỉnh uỷ Quảng Nam tin tưởng giao phó. Giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Sông, các phong trào đấu tranh chống đế quốc và tay sai trên địa bàn từ thị trấn Tam Kỳ, Trường Xuân và các xã vùng tây bắc của Phủ Tam Kỳ diễn ra đều khắp, phong phú và đa đạng. Các đảng viên của Chi bộ Sông đều thể hiện bản lĩnh kiên cường, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc... cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.
Có những lúc tổ chức đảng bị kẻ thù đàn áp, tan vỡ, nhiều đồng chí như: Nguyễn Dậu, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Tấn Luân, Nguyễn Sóc, Nguyễn Ngọc Bích, Đào Đắc Trinh, Huỳnh Lời... không may sa vào tay giặc, bị địch tra tấn dã man trong các nhà tù ở Vĩnh Điện, Hội An, Buôn Ma Thuộc, Phú Bài... nhưng các đồng chí vẫn giữ vũng khí tiết của người Cộng sản, biến nhà tù đế quốc thành nơi trui rèn ý chí đấu tranh cách mạng. Ở bên ngoài nhà tù, các đảng viên còn lại vẫn bí mật hoạt động, tiếp tục nuôi dưỡng phong trào cách mạng. Ngay cả khi không còn sự lãnh đạo của cấp trên, nhưng các đảng viên của chi bộ Sông sau khi ra tù đã chủ động liên lạc, trao đổi thời cuộc và tìm cách giữ vũng phong trào quầ chúng. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của cách mạng tháng Tám ở Tam Kỳ.
Chi bộ Sông hoàn thành sứ mệnh đặc biệt trong cuộc vận động đấu tranh, giải phóng dân tộc, giành chính quyền trên địa bàn phủ Tam Kỳ. Chí lớn, nhiệt tình cách mạng, công lao của các thế hệ đảng viên tiền bối Chi bộ Sông như các đồng chí Đỗ Thế Chấp, Đào Đắc Trinh, Trần Minh, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Dậu, Châu Cự Hải..., qua các thời kỳ cách mạng không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ Tam Kỳ mà còn là động lực, sức mạnh to lớn cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân phường Trường Xuân trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không những thế, Chi bộ Sông còn là một trong hai căn cứ lóm nổi tiếng của Tam Kỳ, nằm sát nách cơ quan đầu não của Mỹ - Nguỵ ở tỉnh đường Quảng Tín, hiên ngang thách thức kẻ thù trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL đại diện cho tỉnh Quảng Nam trao bằng xếp hạng di tích tại buổi lễ
Sau khi đón nhận bằng di tích cấp tỉnh, TP.Tam Kỳ sẽ đầu tư tôn tạo, phát huy di tích “Địa điểm thành lập Chi bộ Sông” trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.